Hội nghị BCH Liên đoàn Lân Sư Rồng Việt Nam khoá I lần thứ 2: Tập trung kiện toàn luật Lân Sư Rồng mới

Thứ bảy - 07/12/2024 20:25
 
Sáng 07/12 đã diễn ra Hội nghị BCH Liên đoàn Lân Sư Rồng khoá I lần 2 với sự tham gia của 40 thành viên nhằm thảo luận và tập cho mục tiêu kiện toàn luật Lân Sư Rồng mang đến những điểm nhấn đặc thù phù hợp với Lân Sư Rồng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Tập trung kiện toàn luật Lân Sư Rồng

Hội nghị có sự tham dự của 40 thành viên gồm 30 thành viên dự trực tiếp và 10 thành viên tham gia qua trực tuyến. Đặc biệt, hội nghị có sự góp mặt của Tiến sĩ Phạm Quang Long, Chủ tịch Liên đoàn LSR Việt Nam cùng 5 Phó Chủ tịch Liên đoàn LSR Việt gồm NSND Trọng Trịnh, NSND Trịnh Kim Chi, Nghệ nhân nhân dân Lương Tấn Hằng, Nghệ nhân nhân dân Lưu Kiếm Xương và nhà vô địch Wushu Nguyễn Thị Phương Lan - Phó Chủ tịch Liên đoàn LSR Việt Nam.

TS Phạm Quang Long, Chủ tịch Liên đoàn LSR Việt Nam phát biểu tại hội nghị

Tại đại hội, TS Phạm Quang Long, Chủ tịch Liên đoàn và NSND Trọng Trinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn đã chia sẻ kinh nghiệm qua các chuyến lưu diễn ở nước ngoài, nhằm đưa ra giải pháp kiện toàn tính chất đặc thù cho Lân Sư Rồng Việt Nam, bao gồm âm thanh, nhạc cụ và bộ gõ.

TS Phạm Quang Long đại diện BCH chia sẻ về kinh nghiệm qua các chuyến du lịch

Trong đó, hội nghị đã đưa ra quy định trang phục biểu diễn trong nước và trang phục khi lưu diễn ra nước ngoài, sao cho mang nét đặc thù của Việt Nam.

Riêng cách chào thì hội nghị thống nhất sử dụng cách chào đặt bàn tay phải lên trên ngực trái (cách chào của Vovinam). Cách chào này có nguồn gốc từ Việt Nam đã được quốc tế hóa, không nhầm lẫn với cách chào của một số đoàn Lân Sư Rồng các quốc gia khác.

NSND Trịnh Kim Chi, PCT Liên đoàn LSR Việt Nam và nhà vô địch Wushu, PCT Liên đoàn LSR Việt Nam tham gia hội nghị

Phần lớn thời gian của hội nghị đều tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến Luật Lân Sư Rồng với sự tham góp ý sôi nổi của các thành viên. Tuy nhiên để kiện toàn luật Lân Sư Rồng hoàn chỉnh nhiều thành viên cho rằng cần phải có thời gian để từng bước hoàn chỉnh luật. Những kinh nghiệm thực tế của từng giải đấu sẽ là điều kiện để BCH Liên đoàn rút kết kinh nghiệm và chỉnh sửa để mang đến bộ luật phù hợp với nét đặc trưng của LSR Việt Nam.

Các thành viên tham dự đều tập trung lắng nghe chia sẻ cũng như góp ý sôi nổi

Sau hội nghị, buổi chiều là chương trình tập huấn chuyên môn và sẽ kéo dài đến hết ngày 08/12. Có thể thấy cuộc họp BCH lần này chính là minh chứng rõ ràng nhất cho việc nỗ lực đưa Lân sư rồng Việt Nam lên tầm cao mới phuù hợp với những nét văn hoá đặc trưng của dân tộc nói chung và lịch sử Lân sư Rồng Việt Nam nói riêng.

Từ bề dày truyền thống lịch sử đến môn thể thao đỉnh cao

Lân Sư Rồng là một bộ môn nghệ thuật dân gian, có truyền thống và hoạt động lâu đời ở Việt Nam và hiện vẫn được duy trì phát triển mạnh mẽ ở các tỉnh thành trong nước. Ngày nay, bộ môn Lân Sư Rồng không còn thuần chất là loại hình biểu diễn nghệ thuật mà được nâng lên thành giải đấu giữa các đội tranh tài với nhau. Và là bộ môn đỉnh cao của nghệ thuật vì đòi hỏi các vận động viên phải có sự phối hợp ăn ý nhịp nhàng, trình diễn những động tác nhảy múa, nhào lộn trên các dụng cụ chuyên dụng như Mai hoa thung, Leo cột…

Trước sự phát triển rộng khắp của phong trào tập luyện Lân Sư Rồng trên cả nước, năm 2012 Bộ văn hóa thể thao và Du lịch đã Ban hành Thông tư Quy định về điều kiện hoạt động cơ sở thể thao tổ chức hoạt động Lân Sư Rồng trên cả nước và đây cũng được xem là văn bản chính thức cho quá trình tổ chức hoạt động và thi đấu của Bộ môn này hiện nay.

Nghệ nhân nhân dân Lưu Kiếm Xương phát biểu tại hội nghị

Lân Sư Rồng cũng chính thức có mặt trong hệ thống thi đấu thể thao quần chúng quốc gia và năm 2023, lần thứ 9 giải được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Cát Hải (thành phố Hải Phòng) với sự tham gia của gần 150 vận động viên đến từ các câu lạc bộ Lân Sư Rồng của 5 tỉnh thành phố trên cả nước, gồm: An Giang, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh và Hải Phòng. Những màn tranh tài ở 5 nội dung gồm: Nhảy bục, Mai hoa thung, múa rồng,  Địa bửu và leo cột cá nhân đã thu hút đông đảo người dân và du khách tới thưởng lãm.

Trước đó, vào năm 2022, Lân Sư Rồng cũng lần đầu được đưa vào chương trình thi đấu của Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX tại Quảng Ninh và thành công rực rỡ cả về công tác tổ chức lẫn chuyên môn. Rồi ngoài những cuộc tranh tài trong nước, Lân Sư Rồng trong những năm qua còn tham dự nhiều cuộc giao lưu, biểu diễn ở nước ngoài, qua đó góp phần giới thiệu, quảng bá nền văn hóa Việt Nam giàu bản sắc.

Các thành viên tham dự hội nghị chụp ảnh lưu niệm

Có thể thấy từ việc thành lập Liên đoàn LSR Việt Nam trong năm 2023 cùng với việc thảo luận kiện toàn luật Lân Sư Rồng tại đại hội lần này có thể thấy quyết tâm của Liên đoàn trong việc mang bộ môn Lân Sư Rồng tiếp cận rộng rãi hơn đến với quần chúng cũng như hướng đến sự chuyên nghiệp, mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây